Mặc dù Việt Nam vừa trải qua một đợt khủng hoảng vì đại dịch covid-19, nền kinh tế gần như bị kéo đến âm nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin và rót vốn cho thị trường Việt Nam.
Vững niềm tin, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn vào Việt Nam
Các số liệu thống kê vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố đã một lần nữa cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng hồi phục tích cực.
Cụ thể, 3 tháng, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, trong khi vốn giải ngân đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Vốn giải ngân tăng, theo Ngân hàng Thế giới (WB), cho thấy đà “phục hồi mạnh mẽ” của vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Còn Cục Đầu tư nước ngoài thì cho rằng, nhờ sự trợ giúp liên tục và hiệu quả của Chính phủ và các cơ quan chức năng, cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch và thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp đã dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh. Đó là lý do khiến vốn giải ngân liên tục tăng so với cùng kỳ trong những tháng đầu năm.
Trái ngược với vốn giải ngân tăng, thì vốn đăng ký lại giảm. Con số 8,9 tỷ USD chỉ bằng 87,9% so với cùng kỳ năm ngoái, song xu hướng được cho là tích cực.
Trên thực tế, quý đầu năm, chỉ có vốn đầu tư đăng ký mới giảm (giảm 55,5%), nhưng bù lại, số dự án đăng ký mới vẫn tăng 37,6%. Hơn thế, việc vốn đăng ký mới giảm chủ yếu là 3 tháng đầu năm ngoái có nhiều dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, đặc biệt là có tới 2 dự án tỷ USD (Nhà máy Điện LNG Long An I và II, 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, trên 1,3 tỷ USD). Còn năm nay, mới có một dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư (dự án 1,32 tỷ USD của Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam, Đan Mạch).
Trong khi đó, vốn đầu tư điều chỉnh trong 3 tháng qua đã tăng tới 93,3% so với cùng kỳ, đạt trên 4,06 tỷ USD. Vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng đã đạt trên 1,63 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.
“Điều này cho thấy, dù có những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng đầu tư hiện hữu”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói.
Có chung quan điểm, Savills Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh những yếu tố vĩ mô thuận lợi, sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước đóng vai trò tiên quyết giúp củng cố niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.
“Song hành cùng các chính sách kinh tế, chiến dịch tiêm chủng toàn dân cũng được triển khai nhanh chóng. Nhờ việc đẩy mạnh tốc độ và quy mô tiêm chủng, Việt Nam trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới. Đây là cơ sở để doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào sự phục hồi của thị trường Việt Nam”, chuyên gia của Savills bày tỏ quan điểm.
Mong chờ những điều mới mẻ
Một thông tin được Phòng Kinh doanh khu công nghiệp Việt Nam cho biết, ngay khi có thông tin chính thức về mở cửa các chuyến bay thương mại từ ngày 15/3, lượng yêu cầu thuê kho xưởng khu công nghiệp Việt Nam tăng đáng kể so với 2 tuần đầu tháng 2.
Trong khi đó, Savills Việt Nam cũng liên tiếp hoàn tất các “thương vụ” mới. Trong tháng 3/2022, Savills Việt Nam đã hỗ trợ Fuchs, tập đoàn dầu nhớt hàng đầu của Đức, thuê thành công khu đất 20.000 m2 tại Bà Rịa – Vũng Tàu để mở nhà máy sản xuất.
Trước đó, vào tháng 2/2022, Savills Việt Nam cũng thực hiện thành công thương vụ thuê 20.000 m2 nhà xưởng giữa Framas (Đức) và KTG Industrial (Đồng Nai).
Hợp đồng thuê có thời hạn 10 năm, được ký vào cuối đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất của Việt Nam thể hiện sức mạnh không ngừng của nền kinh tế Việt Nam và lĩnh vực bất động sản công nghiệp trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Hơn nữa, trong thời gian gần đây, liên tục có những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào các dự án hạ tầng khu công nghiệp trên cả nước. Chẳng hạn, Gaw NP Industrial đã khởi công dự án nhà máy xây sẵn (RBF) rộng 16 ha tại Trung tâm Công nghiệp GNP Yên Bình 2. Khu công nghiệp Việt Nam cũng đã khởi công dự án nhà xưởng và nhà kho tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh (Long An), với quy mô 13,4 ha…
Trong khi đó, Logos và Manulife Investment Management hồi tháng 2/2022 đã lập liên doanh để mua lại một khu nhà xưởng logistics hiện đại xây theo yêu cầu có tổng diện tích 116.000 m2 với giá trị đầu tư lên đến 80 triệu USD. CapitaLand Development cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư 1 tỷ USD với tỉnh Bắc Giang để phát triển khu công nghiệp, khu hậu cần và khu đô thị.
Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, việc mở cửa du lịch từ ngày 15/3, cùng với chính sách miễn thị thực cho một số quốc gia; xu hướng dịch chuyển vốn của các nhà đầu tư châu Âu do ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine cũng sẽ tác động tới thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.
“Làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào các khu công nghiệp trong năm 2022 được dự báo có khả năng tăng trong thời gian tới với chủ đạo là các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và EU. Thực tế cho thấy, ngay trong 3 tháng đầu năm, không ít nhà đầu tư lớn đã đầu tư nhà máy để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhận xét.
Trong khi đó, ở góc độ Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch đầu tư của các nhà đầu tư châu Âu do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 2 năm qua, nhiều tập đoàn công nghệ, điện tử lớn của Đài Loan đã xây dựng nhà máy tại châu Âu như Ba Lan, Hungaria, Czech… Các quốc gia này đều có đường biên giới chung với Ukraine, nên ít nhiều bị ảnh hưởng bởi Nga – thị trường xuất khẩu lớn của các nhà máy này.
Theo đó, khi chiến sự căng thẳng, khả năng sẽ có tác động tích cực tới Việt Nam theo hướng dịch chuyển đơn hàng từ châu Âu về sản xuất tại Việt Nam (đặc biệt là các đơn hàng trong lĩnh vực điện tử, công nghệ…), bởi tại ASEAN, chỉ duy nhất Việt Nam có FTA với EU.